Tin tức chi tiết

TRÌNH TỰ KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Blog Single

TRÌNH TỰ KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn mở đầu của tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, để ra được quyết định đó thì trình tự tố tụng đã diễn ra như thế nào thì còn không ít người dân vẫn chưa nắm được. Nắm bắt được vướng mắc đó, Luật Bảo Tín sẽ làm rõ thông qua bài viết sau đây:

Về cơ bản, trình tự khởi tố vụ án hình sự bao gồm các giai đoạn sau:

+ Tiếp nhận tố giác , tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

+ Kiểm tra, xác minh tin tức về tội phạm;

+ Quyết dịnh khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

1.Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

Pháp luật quy định có 02 loại cơ quan , tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận người phạm tội tự thú hoặc tố giác tội phạm :

-Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án:

Đây là những cơ quan bảo vệ pháp luật nên mọi tin tức về tội phạm xảy ra trên địa bàn của mình, các cơ quan này cần nắm được để có các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm.

Khi có người đến tố giác tội phạm, có người đến tự thú, các cơ quan này phải tạo điều kiện thuận lợi cho người tố giác, người tự thú và nhanh chóng tiếp nhận để có các biện pháp giải quyết tiếp theo. Nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, các cơ quan này cũng không được từ chối mà phải tiếp nhận rồi chuyển đến cơ quan có thẩm quyền. Nếu cần thiết, các cơ quan này phải thực hiện các biện pháp trong phạm vi quyền hạn của mình đẻ hạn chế tác hại của tội phạm.

Các cơ quan này phải có bộ phận thường trực để tiếp nhận nguồn tin về tội phạm. Bộ phận này phải được thông báo rộng rãi cho nhân dân biết. Khi tiếp nhận thông tin về tội phạm, cơ quan tiếp nhận phải có đầy đủ hệ thống sổ sách như sổ tiếp nhận tố giác và tin báo. Nếu nhận được đơn tố giác qua đường bưu điện thì phải vào sổ để theo dõi giải quyết; khi có người phạm tội đến tự thú phải tiếp nhận và lập biên bản theo quy định; các tin báo của các cơ quan, tổ chức phải được ghi vào sổ theo dõi và lưu tin báo; phải có cán bộ chuyên trách theo dõi , ghi lại các thông tin về tội phạm được phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng để giải quyết kịp thời. Các bộ phận tiếp nhận tin tức về tội phạm của viện kiểm sát sau khi tiếp nhận có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác , tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan nhà nước chuyển đến kèm theo các tài liệu có liên quan do mình tiếp nhận cho cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết

-Các cơ quan khác:

Đây là các cơ quan không chuyên trách đấu tranh chống tội phạm nhưng có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác hành vi phạm tội; tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của công dân, tổ chức.

Khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, người phạm tội tự thú, các cơ quan này có trách nhiệm tiếp nhận và báo ngay bằng văn bản cho các cơ quan điều tra hoặc viện kiệm sát.

2. Kiểm tra, xác minh tin tức về tội phạm

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, các cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiejm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định sau:

a, Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b, Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

c, Quyết định tạm đình chỉ về việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Trường hợp nếu có tình tiết phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường vẫn chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp hoặc có thẩm quyền có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 02 tháng

Để kiểm tra, xác minh tin tức về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành một số hoạt động: Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan để kiêm tra, xác minh nguồn tin; Khám nghiệm hiện trường; Khám nghiệm tử thi; Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

3.Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

- Quyết định khởi tố vụ án hình sự là văn bản pháp lý xác định sự việc phạm tội làm cơ sở để tiến hành các hoạt động điều tra. Tất cả các hoạt động điều tra chỉ được coi là hợp pháp khi đã có quyết định khởi tố vụ án (trừ trường hợp khám nghiệm hiện trường để thu thập các dấu vết của tội phạm, bắt người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ và khám xét trong các trường hợp này). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về quyết định khởi tố vụ án như sau:

Điều 154. Quyết định khởi tố vụ án hình sự

1. Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ căn cứ khởi tố, điều, khoản của Bộ luật hình sự được áp dụng và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Tòa án phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát cùng cấp.

-Quyết định không khởi tố vụ án hình sự là văn bản pháp lý của người có thẩm quyền khởi tố xác định nguồn tin về tội phạm hoặc sự việc nào đó không có căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Quyết định không khởi tố vụ án hình sự được thực hiện khi có một trong những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

1. Không có sự việc phạm tội;

2. Hành vi không cấu thành tội phạm;

3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;

4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;

5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

6. Tội phạm đã được đại xá;

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;

8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Nếu trong trường hợp do đánh giá sai, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Chia sẻ bài viết:
Image
Giám Đốc CÔNG TY LUẬT BẢO TÍN

Bài viết liên quan:

Bình luận

    Hotline: 0915988383