Tin tức chi tiết

TỘI GIẾT CON MỚI ĐẺ THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

Blog Single

Tội giết con mới đẻ

Trong xã hội phát triển nhanh như hiện nay, phụ nữ sinh con rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh do sự vô tâm của những người chồng hay những người thân xung quanh. Hành vi tưởng chừng quá đỗi đơn giản nhưng hậu quả của nó hết sức nặng nề. Đã có rất nhiều trường hợp thương tâm xảy ra, nhiều người mẹ đã giết chính những đứa con mới đẻ của mình. Vậy hành vi này của họ có phạm phải tội “Giết con mới đẻ” theo quy định của pháp luật hay không ?

Căn cứ:

Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

1. Giết con mới đẻ là gì ?

Con mới đẻ theo quy định của pháp luật là đứa trẻ được sinh ra trong vòng 7 ngày tuổi. Theo đó, giết con mới đẻ là trường hợp phạm tội của người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết đứa con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ bị chết.

2. Các yếu tố cấu thành tội giết con mới đẻ:

Điều 124. Tội giết hoặc vứt con mới đẻ

1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Khách thế của tội phạm: Tội phạm xâm phạm:

+ Quyền sống của con người, cụ thể con mới đẻ (trong vòng 7 ngày).

+ Đạo đức xã hội, đặc biệt là tình mẫu tử.

+ Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia.

Mặt khách quan của tội phạm:

Đối tượng tác động: con mới đẻ. Đứa trẻ phải chính do người phụ nữ đó đẻ ra chứ không phải nuôi dưỡng và mới được sinh ra trong vòng 7 ngày tuổi trở lại. Nếu ngoài 7 ngày tuổi thì không cấu thành tội này;

Hành vi phạm tội: người mẹ thực hiện thông qua hành vi giết con mới đẻ. Hành vi giết con mới đẻ: được thực hiện bằng hành động (gồm các hành vi như bóp cổ, thắt cổ, đâm, chém, chôn đứa trẻ…) hoặc không hành động (người mẹ không cho con mình bú sữa, không cho con mình uống thuốc khi ốm đau…);

Hậu quả phạm tội: Đứa trẻ mới đẻ bị giết phải bị chết thì người mẹ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết con mới đẻ, nếu người mẹ có hành vi tước đoạt tính mạng đứa trẻ hoặc có hành vi vứt con mới đẻ, nhưng đứa trẻ không bị chết thì chưa cấu thành tội giết con mới đẻ và như vậy tội giết con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt.

Chủ thể của tội phạm:

Là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự;

Là người mẹ đang trong trạng thái mới sinh con, nghĩa là đang còn trong trạng thái tâm sinh lý không bình thường do tác động của việc sinh con.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi: với trường hợp giết con mới đẻ thì người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, còn với trường hợp vứt con mới đẻ thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp.

Động cơ phạm tội: việc giết con là do hoàn cảnh bất đắc dĩ, do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt khác.

3. Hình phạt của tội giết con mới đẻ:

Có 2 khung hình phạt:

Khung 1: quy định hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng trong trường hợp người phạm tội là người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi.

Khung 2: quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, áp dụng trong trường hợp người phạm tội là người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết.

Chia sẻ bài viết:
Image
Giám Đốc CÔNG TY LUẬT BẢO TÍN

Bài viết liên quan:

Bình luận

    Hotline: 0915988383