Tin tức chi tiết

NGƯỜI LÀM CHỨNG VÀ QUYỀN, NGHĨA VỤ NHƯ THẾ NÀO ?

Blog Single

NGƯỜI LÀM CHỨNG VÀ QUYỀN, NGHĨA VỤ NHƯ THẾ NÀO?

Người làm chứng là người biết được các tình tiết của vụ việc, do đó sự có mặt của họ góp phần giúp Tòa án giải quyết vụ việc một cách khách quan, chính xác, kịp thời.

Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 dùng thuật ngữ “người làm chứng” và định nghĩa người làm chứng là người biết các tình tiết liên quan đến nội dung vụ việc. Vậy cơ quan, tổ chức có thể tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng không hay người làm chứng chỉ có thể là một cá nhân cụ thể?

BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) và BLTTDS năm 2015 đều có quy định về người làm chứng. Theo đó, người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người làm chứng tham gia tố tụng thường khách quan hơn đương sự do họ không có quyền và lợi ích liên quan đến vụ việc. Việc tham gia tố tụng của người làm chứng có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết vụ việc dân sự nên pháp luật không quy định hạn chế những người được tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. BLTTDS năm 2015 chỉ hạn chế người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng còn những chủ thể khác, thậm chí người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong việc nhận thức, làm chủ hành vi vẫn có thể tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.

Với ý nghĩa là người biết được các tình tiết liên quan nội dung vụ việc, tham gia tố tụng nhằm cung cấp các thông tin, xác nhận các sự kiện nhằm giúp Tòa án giải quyết vụ việc một cách đúng đắn. Chúng tôi cho rằng không có lý do gì để hạn chế theo hướng người làm chứng chỉ có thể là cá nhân chứ không thể là cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ, nếu các chủ thể này biết được các tình tiết của vụ việc thì việc đưa họ vào tham gia tố tụng để làm rõ, giải thích những tình tiết mà các bên đang tranh chấp là hết sức cần thiết.

BLTTDS năm 2015 quy định:

Điều 77. Người làm chứng

Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.

Điều 78. Quyền, nghĩa vụ của người làm chứng

1. Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.

2. Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.

3. Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình.

4. Được nghỉ việc trong thời gian Tòa án triệu tập hoặc lấy lời khai, nếu làm việc trong cơ quan, tổ chức.

5. Được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật.

6. Yêu cầu Tòa án đã triệu tập, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng; khiếu nại hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng.

7. Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.

8. Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

9. Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

Chia sẻ bài viết:
Image
Giám Đốc CÔNG TY LUẬT BẢO TÍN

Bài viết liên quan:

Bình luận

    Hotline: 0915988383