Tin tức chi tiết

HIỂU ĐÚNG VỀ CHUYỂN, NHẬP, TÁCH VỤ ÁN HÌNH SỰ VÀ ỦY THÁC ĐIỀU TRA

Blog Single

HIỂU ĐÚNG VỀ CHUYỂN, NHẬP, TÁCH VỤ ÁN HÌNH SỰ VÀ ỦY THÁC ĐIỀU TRA.

Điều tra là giai đoạn tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trong giai đoạn này vẫn còn không ít vấn đề mà nhiều người dân vẫn còn chưa rành tỏ như: tách, nhập, chuyển vụ án hay ủy thác điều tra. Thông qua bài viết sau đây, Luật Bảo Tín sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về vấn đề này:

1.Chuyển vụ án hình sự:

Khi thực hiện thẩm quyền điều tra, nhận thấy vụ án không thuộc thẩm quyền của mình (không đúng tội phạm, đối tượng, lãnh thổ) thì cơ quan điều tra phải đề nghị viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định chuyển vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền .

Nếu chuyển vụ án trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc phạm vi quân khu thì do viện trưởng viện kiểm sát cấp huyện hoặc viện trưởng viện kiểm sát quân sự khu vực quyết định.

Nếu chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thì do viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, viện trưởng viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về Chuyển vụ án để điều tra như sau:

Điều 169. Chuyển vụ án để điều tra

1. Viện kiểm sát cùng cấp quyết định việc chuyển vụ án để điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Cơ quan điều tra cùng cấp xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra và đề nghị chuyển vụ án;

b) Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ án để điều tra;

c) Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ quan điều tra;

d) Viện kiểm sát đã yêu cầu chuyển vụ án mà Cơ quan điều tra không thực hiện.

2. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.

3. Thủ tục chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền:

a) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền phải ra quyết định chuyển vụ án;

b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định chuyển vụ án, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án, Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại và Viện kiểm sát có thẩm quyền.

4. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định chuyển vụ án, Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra.

5. Thời hạn điều tra được tính tiếp từ ngày Cơ quan điều tra nhận được hồ sơ vụ án cho đến hết thời hạn điều tra vụ án theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp hết thời hạn điều tra mà không thể kết thúc việc điều tra thì Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định gia hạn điều tra theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.

2. Nhập, tách vụ án hình sự

Nhập vụ án hình sự là việc tiến hành điều tra trong cùng một vụ án những trường hợp bị can phạm nhiều tội, nhiều bị can cùng tham gia thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. Các vụ án được nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ phải có liên quan đến nhau. Không được nhập các vụ án để điều tra nếu đó là những vụ án riêng biệt không liên quan với nhau.

Tách vụ án để tiến hành điều tra để tiến hành điều tra là việc tách các tội phạm hoặc các bị can trong cùng một vụ án thành những vụ án riêng lẻ, nếu không thể hoàn thành việc điều tra đối với tất cả các tội phạm hoặc các bị can. Cơ quan điều tra nếu xét thấy bị can phạm nhiều tội nhưng không thể hoàn thành việc điều tra với mọi tội phạm hoặc trong vụ án có nhiều bị can cùng tham gia một tội phạm nhưng có bị can đã bỏ trốn hoặc không thể hoàn thành sớm việc điều tra với mọi bị can thì tách tội phạm của bị can hoặc tách bị can hoặc tách bị can để điều tra sau. Tuy nhiên, chỉ được tách vụ án nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nhập, tách vụ án hình sự như sau:

Điều 170. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra

1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Bị can phạm nhiều tội;

b) Bị can phạm tội nhiều lần;

c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.

2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định nhập hoặc tách vụ án của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ và nêu rõ lý do.

3.Uỷ thác điều tra

Uỷ thác điều tra là việc cơ quan điều tra yêu cầu cơ quan cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tr khi cần thiết. Vì được tiến hành trong quá trình điều tra nên chỉ cơ quan điều tra mới được ủy thác điều tra, kể cả các cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra cũng không được thực hiện ủy thác điều tra.

Khi ủy thác, cơ quan điều tra phải ghi rõ yêu cầu cụ thể trong quyết định ủy thác điều tra. Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hiện nhanh chóng và đầy đủ những việc ủy thác trong thời hạn mà cơ quan ủy thác yêu cầu; nếu cơ quan điều tra được ủy thác không thể thực hiện được từng phần hoặc toàn bộ việc ủy thác thì phải báo ngay bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan điều tra ủy thác biết.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về ủy thác điều tra như sau:

Điều 171. Ủy thác điều tra

1. Khi cần thiết, Cơ quan điều tra ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định ủy thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu và gửi cho Cơ quan điều tra được ủy thác, Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác.

2. Cơ quan điều tra được ủy thác phải thực hiện đầy đủ những việc được ủy thác trong thời hạn mà Cơ quan điều tra ủy thác yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện ủy thác điều tra. Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải có ngay văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan điều tra đã ủy thác.

3. Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được ủy thác và phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Chia sẻ bài viết:
Image
Giám Đốc CÔNG TY LUẬT BẢO TÍN

Bài viết liên quan:

Bình luận

    Hotline: 0915988383