Tin tức chi tiết

ĐẶC XÁ- NGUYÊN TẮC VÀ MỤC ĐÍCH

Blog Single

ĐẶC XÁ- NGUYÊN TẮC VÀ MỤC ĐÍCH

Theo Từ điển Tiếng Việt, đặc xá là việc cơ quan quyền lực tối cao của một nước tha hẳn hoặc giảm hình phạt cho những phạm nhân nhất định. Cụ thể hơn, Từ điển Bách khoa Việt Nam của Trung tâm biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản năm 1995 ghi: “đặc xá là thể thức miễn tội, giảm hình phạt, miễn hình phạt hoặc xoá án đối với một người hoặc một số người có biến cải đặc biệt và theo đơn xin của người phạm tội, của gia đình họ, của cơ quan và tổ chức hữu quan hoặc căn cứ vào chính sách đối nội

1. Khái niệm đặc xá

 Người bị kết án tử hình nếu được đặc xá thì được tha tội chết, giảm thành tù chung thân”. Cuốn từ điển này cũng đưa ra khái niệm ân xá, theo đó ân xá là quyết định của người đứng đầu Nhà nước miễn toàn bộ hay một phần hình phạt cho người bị kết tội theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nếu quyết định ân xá chỉ giảm hình phạt thì hình phạt được hạ xuống bậc dưới trong thang hình phạt. Án phạt không bị xoá bỏ, vẫn được ghi vào lý lịch tư pháp có ghi chú việc ân xá. Ân xá có hai hình thức: đặc xá và đại xá. Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân (xuất bản năm 2005) thì: “Đặc xá là miễn toàn bộ hay một phần hình phạt trước thời hạn cho những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt, đạt những tiêu chuẩn quy định nhân dịp những sự kiện chính trị đặc biệt của quốc gia. Người bị kết án tử hình nếu được đặc xá thì được tha tội chết, giảm thành chung thân”.

Luật Đặc xá năm 2018 hiện hành quy định: “Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”

Mặc dù có nhiều quan niệm và cách diễn đạt khác nhau về đặc xá, nhưng có thể thấy, nội hàm của khái niệm đặc xá gồm những yếu tố đặc trưng cơ bản sau:

1.1. Người, cơ quan có quyền ban hành quyết định đặc xá

 Quyền quyết định đặc xá là một quyền đặc biệt, thường do người đứng đầu Nhà nước thực hiện, dưới thời phong kiến ở nước ta là nhà vua, từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thì tuỳ theo quy định của Hiến pháp từng thời kỳ, thẩm quyền quyết định đặc xá thuộc về Chủ tịch nước (Hiến pháp 1946), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Hiến pháp 1959), Hội đồng Nhà nước (Hiến pháp 1980) và Chủ tịch nước (Hiến pháp 1992). Việc quy định thẩm quyền quyết định đặc xá thuộc một người hoặc cơ quan có thẩm quyền khác nhau là do tình hình lịch sử của từng thời kỳ, nhưng cơ bản vẫn do cấp có thẩm quyền cao nhất (Chủ tịch nước, Hội đồng Nhà nước) và thường là do Chủ tịch nước quyết định.

1.2. Đối tượng được xem xét và được hưởng đặc xá

Đặc xá áp dụng với những người bị kết án phạt tù có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định trong văn bản về đặc xá vào dịp diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước. Tuy có sự khác nhau trong mỗi giai đoạn, nhưng nhìn chung, đặc xá phổ biến là tha tù cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù trong các trại giam, trại tạm giam. Trong một số đợt đặc xá có xét miễn chấp hành hình phạt cho những người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đang ở ngoài xã hội. Trong một số năm, đặc xá có thêm việc xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù.

Năm 1985, Nhà nước ta ban hành Bộ luật Hình sự đã có quy định về đặc xá, nhưng đến năm 1988 mới ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự, nên trong khoảng thời gian từ 1985-1988 đặc xá bao gồm cả việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Các quy định về đối tượng đặc xá có sự thay đổi nhất định theo từng thời kỳ, nhưng chủ yếu xác định đối tượng đặc xá là người bị kết án phạt tù. Riêng các năm 1946 và 1948 quy định đối tượng đặc xá gồm cả người bị kết án tử hình. Giai đoạn 1977-1988 (trước khi ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính) đối tượng đặc xá còn gồm cả người bị tập trung cải tạo, tập trung giáo dục cải tạo (nay là biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục).

Do yêu cầu của thực tiễn, hầu hết các văn bản về đặc xá thường quy định một số loại đối tượng hoặc một số loại tội không được đặc xá; hoặc nếu có xét thì phải theo thủ tục riêng, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm minh.

1.3. Điều kiện, tiêu chuẩn xét đặc xá

Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể và những mục đích khác nhau của mỗi lần đặc xá mà điều kiện, tiêu chuẩn xét đặc xá được quy định khác nhau. Nhưng nhìn chung, điều kiện, tiêu chuẩn xét đặc xá gồm có điều kiện về thời gian đã chấp hành hình phạt tù, điều kiện về kết quả chấp hành hình phạt tù và các điều kiện khác. Tuỳ theo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước ở từng thời điểm mà quy định tiêu chuẩn.

1.4. Quan hệ giữa người có thẩm quyền ban hành quyết định đặc xá với người được hưởng đặc xá

Về bản chất, đây là mối quan hệ giữa cơ quan quyền lực nhà nước và người phạm tội. Nhà nước - với tư cách là người trực tiếp có quyền buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình - có quyền tha miễn cho người phạm tội khi họ đáp ứng được những điều kiện nhất định do Nhà nước đặt ra. Điều này thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội.

1.5. Hiệu lực và giá trị pháp lý của quyết định đặc xá

Tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể và những mục đích khác nhau của mỗi lần  đặc xá mà quyết định đặc xá sẽ có những quy định về hiệu lực và giá trị pháp lý khác nhau, nhưng điểm chung nhất là đối tượng được hưởng đặc xá sẽ được trả tự do, không phải tiếp tục thực hiện việc chấp hành hình phạt tù có thời hạn, nhưng vẫn có nghĩa vụ phải chấp hành những hình phạt và hạn chế khác mà bản án của Toà án đã tuyên đối với tội mà họ đã phạm phải. Quyết định đặc xá cũng quy định về thời gian có hiệu lực của quyết định đặc xá và những người có trách nhiệm phải thực hiện quyết định này.

Theo quy định của Hiến pháp và những văn bản quy phạm pháp luật về đặc xá đang có hiệu lực thi hành, khái niệm đặc xá được xác định như sau:

“Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước mang tính chất tổng hợp về chính trị - xã hội - pháp lý, được thực hiện theo trình tự, thủ tục ngoài Toà án do người đứng đầu Nhà nước (Chủ tịch nước) quyết định:

- Tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc miễn chấp hành hình phạt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, nhân sự kiện chính trị trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

 - Ân giảm hình phạt tử hình xuống hình phạt tù chung thân cho người bị kết án tử hình”.

 2. Mục đích của đặc xá

Mục đích của đặc xá trong mỗi thời kỳ đều có những điểm khác nhau, phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể và nhiệm vụ chính trị, ý chí của Đảng và Nhà nước tại thời điểm quyết định thực hiện đặc xá. Tuy nhiên, khi khảo sát, nghiên cứu các quyết định đặc xá của Nhà nước ta ban hành từ năm 1945 đến nay, chúng tôi nhận thấy, dù có những điểm khác nhau nhưng mục đích đặc xá có những điểm chung, cơ bản giống nhau, đặc biệt là về mục đích của việc đặc xá. Hiện nay, việc thực hiện đặc xá cũng cần đạt được những mục đích chung đó để phát huy giá trị xã hội của công tác đặc xá, đồng thời chú trọng đến các điều kiện mới, khi nền kinh tế - xã hội ta đang có các thay đổi mạnh mẽ.

2.1. Đặc xá phải góp phần tích cực vào việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, đấu tranh, phòng và chống tội phạm, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội

Đặc xá là sự thể hiện nhất quán chính sách hình sự của Nhà nước ta trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục người phạm tội tái hoà nhập cộng đồng. Vì vậy, mục đích đầu tiên của công tác đặc xá là phải góp phần tích cực vào việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, đấu tranh phòng và chống tội phạm, bảo vệ an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

 Việc trả lại tự do cho những người đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn và những hình phạt hạn chế quyền tự do khác phải có tác dụng thực sự khuyến khích, động viên những người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc hình phạt hạn chế quyền tự do khác có quyết tâm và động lực cải tạo tốt để được sớm tái hoà nhập cộng đồng, hoàn lương, trở thành những công dân có ích cho xã hội và gia đình họ.

Thực tiễn công tác đặc xá đã chứng minh rằng, không có một biện pháp giáo dục, cải tạo nào có tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến tâm lý của người phạm tội như công tác đặc xá bằng việc những phạm nhân được trực tiếp chứng kiến thực tế việc trả lại tự do cho những phạm nhân khác được hưởng đặc xá. Những phạm nhân đang chấp hành hình phạt thường có tâm lý bi quan, mặc cảm và từ đó tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến việc tự huỷ hoại cuộc sống của bản thân họ hoặc có những hành động tiêu cực khác. Thực hiện đặc xá phải đem lại cho phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù khát vọng được trở về xã hội, tái hoà nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời. Từ đó, họ quyết tâm cải tạo, hoàn lương để được hưởng đặc xá.

2.2. Đặc xá phải góp phần tích cực vào việc khắc phục những hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và được nhân dân đồng tình, ủng hộ

 Khi một người phạm tội, người đó đã thực hiện những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm và làm thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của những người khác. Do đó, một mặt họ phải chịu hình phạt do pháp luật quy định, mặt khác họ phải có nghĩa vụ khắc phục những hậu quả do hành vi phạm tội của họ gây ra. Khi thi hành chính sách đặc xá, Nhà nước có thể tha miễn hình phạt cho phạm nhân nhưng những hậu quả, thiệt hại mà người phạm tội đã gây ra thì họ vẫn phải có trách nhiệm khắc phục theo quy định của pháp luật.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì Nhà nước phải xử lý một cách hợp tình, hợp lý cùng một lúc mối quan hệ giữa Nhà nước với người phạm tội và mối quan hệ giữa người phạm tội với những nạn nhân và hậu quả do hành vi phạm tội của họ gây ra. Nghĩa là, chính sách nhân đạo của Nhà nước phải được đảm bảo thực hiện một cách công bằng không phải chỉ với những người đã phạm tội mà còn cả với những nạn nhân của họ. Có như vậy, đặc xá mới được xã hội chấp nhận và được người dân ủng hộ. Chính vì thế mà một trong những điều kiện để phạm nhân được hưởng đặc xá (nhất là những tội phạm tham nhũng và tội phạm về kinh tế) là họ phải hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và phải bồi hoàn cho Nhà nước những khoản tiền thu được do hành vi phạm tội mà có. Những quy định này còn có tác dụng ngăn chặn những kẻ có ý định “hy sinh đời bố, củng cố đời con” cam chịu tù tội để tham nhũng, lấy tiền của của Nhà nước, của nhân dân cho con cháu, gia đình họ.

2.3. Đặc xá phải góp phần tích cực vào việc phục vụ những nhiệm vụ đối ngoại của Nhà nước trong quá trình hội nhập và phát triển

Trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, có rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi Nhà nước phải có biện pháp giải quyết phù hợp với những quy định của các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia, trong đó có những điều ước quốc tế liên quan trực tiếp đến việc đấu tranh phòng, chống các tội phạm xuyên quốc gia, các tội ác chống lại loài người và việc đấu tranh chống lại các tổ chức tội phạm mang tính chất quốc tế. Vì vậy, thực hiện đặc xá phải tính đến những cam kết của Việt Nam về những vấn đề đấu tranh phòng và chống tội phạm quy định trong các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, phải tính đến và xem xét đến những khuyến nghị của các tổ chức ân xá quốc tế để vừa đảm bảo được chủ quyền quốc gia, vừa được sự ủng hộ của thế giới và góp phần nâng cao vị thế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên diễn đàn chính trị thế giới.

 3. Những nguyên tắc thực hiện đặc xá

- Đặc xá phải được thực hiện đúng người, đúng pháp luật, bảo đảm những phạm nhân khi được đặc xá sẽ không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thực tế thực hiện công tác đặc xá ở Việt Nam cho thấy, so với nhiều nước khác trên thế giới thì số lượng phạm nhân được hưởng đặc xá mỗi lần rất lớn, có thể lên tới hàng chục nghìn người từ các trại giam được trả về xã hội. Do đó, công tác hậu đặc xá, hạn chế tái phạm là cực kỳ quan trọng, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”, thực hiện chính sách nhân đạo với một nhóm người đã từng phạm tội lại làm phát sinh nỗi lo tiềm ẩn đối với đa số những người dân lương thiện. Không những thế, việc này lại dễ gây ra tâm lý bức xúc của không ít người đã từng là nạn nhân của những hành vi phạm tội và thân nhân của họ. Chính vì vậy, một trong những điểm chung nhất trong các quy định về điều kiện được hưởng đặc xá của những đối tượng được xét đặc xá theo bản Hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá là: Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải chấp hành tốt Quy chế, Nội quy trại giam, trại tạm giam, tích cực học tập, lao động, trong quá trình chấp hành hình phạt tù được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Kiên quyết không đặc xá cho những đối tượng chưa thực sự ăn năn, hối cải và quyết tâm hoàn lương; không đặc xá cho những đối tượng phạm những loại tội phạm đang gia tăng mà cả xã hội đang đặc biệt lo ngại, cho dù đối tượng đó đã đủ thời gian chấp hành hình phạt và các nghiã vụ khác theo quy định của quyết định đặc xá (điều này thường được quy định ngay trong bản Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước).

- Đặc xá phải được thực hiện công khai, minh bạch với toàn xã hội và phải chịu sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và của nhân dân.

Một trong những nguyên tắc khi tiến hành đặc xá là phải công khai, minh bạch. Cụ thể là Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước phải được đăng trên Công báo và các phương tiện thông tin đại chúng và phải được thông tin đầy đủ cho người dân, nhất là phải được phổ biến tới tất cả các phạm nhân đang chấp hành hình phạt và gia đình của họ. Đối tượng được đặc xá, điều kiện và tiêu chuẩn để được đặc xá, hồ sơ đặc xá cũng như quy trình xem xét đặc xá phải được thể hiện rõ ràng trong Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng Tư vấn đặc xá.

Toàn bộ quá trình xem xét đặc xá phải chịu sự kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan chức năng của Nhà nước và sự giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên và của nhân dân.

Thực hiện đúng và đầy đủ nguyên tắc trên là điều kiện để hạn chế tới mức thấp nhất những sai sót, tránh các hành vi sách nhiễu và tệ tham nhũng trong quá trình xem xét và thực hiện Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

- Công tác hậu đặc xá phải được chuẩn bị chu đáo, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Nhà nước, các tổ chức xã hội và gia đình những phạm nhân được hưởng đặc xá.

Thực hiện nguyên tắc này là biểu hiện trách nhiệm của cả cộng đồng đối với quá trình tái hoà nhập cộng đồng của những phạm nhân được hưởng đặc xá, vì sau một thời gian bị cách ly khỏi đời sống xã hội, những con người này khó tránh được những mặc cảm về bản thân, cuộc sống lại rất khó khăn, họ cần có công ăn, việc làm và sự giúp đỡ của cả cộng đồng mới có thể vượt qua những nguy cơ tái phạm.

- Đặc xá phải phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ lịch sử.

Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước cần tổ chức họp báo công khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo trong nước và nước ngoài được chứng kiến và tiếp cận với những thông tin liên quan đến đặc xá, nhằm chống lại những luận điệu xuyên tạc về chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đặc xá, nâng cao vị thế chính trị của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về nhân quyền trong quan hệ quốc tế.

- Công tác tổng kết, đánh giá kết quả đặc xá phải được tiến hành một cách khách quan và kịp thời, nhằm khẳng định những giá trị xã hội của đặc xá và đó cũng là cơ sở để tiếp tục hoàn thiện chế định đặc xá cho những lần thực hiện đặc xá tiếp theo.

Thông tin liên hệ: CÔNG TY LUẬT TNHH BẢO TÍN
Giám đốc- Luật sư Phan Kế Hiền 
Số điện thoại: (+84) 0915 98 83 83 - (+84) 0963 289 272
E-mail: luatbaotin.vn@gmail.com
Địa chỉ : Số 49 Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội
Facebook: https://www.facebook.com/luatsuvicongdong

Chia sẻ bài viết:
Image
Giám Đốc CÔNG TY LUẬT BẢO TÍN

Bài viết liên quan:

Bình luận

    Hotline: 0915988383