Tin tức chi tiết

Đừng để niềm tin bị đánh mất

Blog Single

ĐỪNG ĐỂ NIỀM TIN BỊ ĐÁNH MẤT...

Cựu quân nhân - Những con người đã hơn nửa đời người hy sinh vì Tổ quốc, cống hiến hết mình cho nền độc lập, hòa bình của dân tộc. Họ là một trong những niềm tự hào của dân tộc và xứng đáng được hưởng những chế độ, chính sách của Nhà nước, sự ưu ái, quan tâm  của xã hội, Nhà nước, đặc biệt là cơ quan, tổ chức nơi họ đã từng công tác.

Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài từ năm 2007 đến năm 2011, không ít các cựu quân nhân Xí nghiệp cơ khí (XNCK) 59 và nhà máy Z127 thuộc Bộ quốc phòng đã và đang bị xâm phạm nghiêm trọng các quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến vấn đề “Nghỉ chuẩn bị hưu”. Để bảo vệ quyền lợi của mình, của những người đã từng là đồng đội, đồng chí, họ không ngại khó khăn, gian khổ, không ngừng đi lại, gửi trực tiếp và gián tiếp những lá thư, đơn đề nghị đến các cơ quan chức năng.

Tiếng lòng của các cựu quân nhân qua những “Lá đơn tố cáo” sau nhiều lần đã nhận được sự phản hồi của Bộ Quốc phòng. Hành động tiếp nhận và tiến hành thanh tra xác minh nội dung tố cáo của Bộ Quốc phòng tựa như “Đốm lửa” để dấy lên hi vọng, niềm tin cho các cựu quân vào cái gọi là “Lẽ công bằng”, “Niềm tin công lý” vào những người lãnh đạo, vào những con người hết lòng vì nước, vì dân.

Niềm hạnh phúc, tiếng cười, niềm tin của các cựu quân nhân sau những tháng năm ròng rã với những lá đơn trên tay còn chưa kịp “Nóng” thì gần như đã bị “Dập tắt” trước hướng xử lý của Chánh Thanh tra Quốc phòng đối với những sai phạm nghiêm trọng của cán bộ, lãnh đạo Xí nghiệp CK59, Nhà máy Z127.

Thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo số 1668/TB - TTr ngày 14/12/2017 của Chánh Thanh tra Bộ quốc phòng đã chỉ rõ:

Thứ nhất, không thông báo quyết định nghỉ chuẩn bị hưu của cấp có thẩm quyền cho 384 quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở Xí nghiệp CK59, Nhà máy Z127. Việc làm này đã vi phạm quy định tại điểm b, khoản 3, mục V, Thông tư số 153/2007/TT-BQP ngày 29/9/2007 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 1/2/2007 của Chính phủ về quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Điều 6 Quyết định số 149/2002/QĐ-BQP ngày 15/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quy định chế độ nghỉ hưu của sỹ quan tại ngũ.

Thứ hai, lập danh sách khống nghỉ chuẩn bị hưu để chuyển tiền về từ năm 2007 đến năm 2011. Cụ thể, từ năm 2007đến năm 2011, có 504 người có tên trong danh sách đề nghị ra quyết định nghỉ chuẩn bị hưu và số tiền được quyết toán là 19.948.628.775 đồng nhưng trên thực tế chi trả cho người lao động 9.516.716.907 đồng, chênh lệch 10.431.911.868 đồng.

Như vậy, từ năm 2007 đến năm 2011 Xí nghiệp CK59, Nhà máy Z127 “đã lập chứng từ quyết toán sai số tiền 10.431.911.868 đồng (chữ ký của người nhận trong danh sách thực cấp khác với chữ ký của người nhận trong danh sách quyết toán với Tổng cục); Việc làm trên là vi phạm pháp luật có dấu hiệu của hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế”.

Số tiền chênh lệch 10.431.911.868 đồng được lãnh đạo XNCK 59, Nhà máy Z127 hạch toán vào các khoản chi tiêu không thể kiểm soát như: Chi phí sản xuất; Giảm quỹ lương sản xuất kinh doanh để giảm chi phí giá thành sản phẩm; Chi quà biếu, lễ tết, đối ngoại....

Sai phạm của cán bộ, lãnh đạo Xí nghiệp CK59, Nhà máy Z127 có tổ chức, lặp đi lặp lại nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng làm mất lòng tin của số đông quân nhân chuyên nghiệp và nhân dân sống trong khu vực Xí nghiệp CK59, Nhà máy Z127. Tuy không đo đếm được cụ thể việc làm mất lòng tin của số đông quân nhân chuyên nghiệp và nhân dân sống trong khu vực Xí nghiệp CK59, Nhà máy Z127 là bao nhiêu nhưng từ những kết quả đã xác minh cho thấy việc tố cáo của các cựu quân nhân là có cơ sở, hành vi của các cán bộ, lãnh đạo Xí nghiệp CK59, Nhà máy Z127 đã “có dấu hiệu của tội phạm”.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 25 Luật tố cáo năm 2011 và Điểm c, Khoản 1, Điều 24 Thông tư 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ “Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, sau khi có kết luận nội dung tố cáo, phát hiện có dấu hiệu tội phạm, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng - Trung tướng Phạm Văn Hưng không chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan Điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật mà tạo điều kiện cho những người đã có hành vi vi phạm khắc phục bằng vật chất và xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng và Điều lệnh quản lý bộ đội.

Như vậy, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng - Người được đông đảo các cựu quân nhân, công dân tin tưởng liệu đã thực hiện hết trọng trách của mình? Lẽ công bằng cho các cựu quân nhân đến bao giờ mới được thực hiện? Niềm tin “CÔNG LÝ” ở đâu?

Với trọng trách là người giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra và bảo vệ “cán cân công lý”, “công bằng xã hội”, các quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân nói chung, cho các cựu quân nhân nói riêng, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng cần chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để mọi thứ được đưa ra ánh sáng, để những người đã có hành vi vi phạm bị xử lý nghiêm minh, tránh tạo ra tiền lệ xấu, tránh việc bỏ lọt tội phạm.

Hành vi của cán bộ, lãnh đạo Xí nghiệp CK59, Nhà máy Z127 không được xử lý kịp thời sẽ tạo ra những tiền lệ và rất có thể niềm tin đối với pháp luật trong công chúng bị lung lay, đồng thời làn sóng phẫn nộ của người dân, của dư luận xã hội sẽ ngày càng gia tăng.

_Phạm Thuận - Công ty Luật TNHH Bảo Tín_

Chia sẻ bài viết:
Image
Giám Đốc CÔNG TY LUẬT BẢO TÍN

Bài viết liên quan:

Bình luận

    Hotline: 0915988383