Tin tức chi tiết

Câu chuyện bằng cấp

Blog Single
Câu chuyện không phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo
 Mỗi người sẽ có những định hướng phù hợp riêng cho bản thân và lựa chọn con đường nào tốt nhất cho mình. Mỗi hướng đi sẽ có những kết quả khác nhau nhưng điều quan trọng là sự đam mê và tấm bằng cầm trên tay.
Trước đây và bây giờ, hình thức đào tạo đại học ở nước ta có 2 loại hình chính là hệ chính quy và không chính quy (từ xa, tại chức, liên thông).
Luật Giáo dục Đại học vừa được thông qua ngày 19/11/2018 với nhiều điểm mới quan trọng, trong đó có quy định về văn bằng giáo dục đại học. Cụ thể khoản 23 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 như sau “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương”.
Như vậy chúng ta có thể hiểu, Luật Giáo dục mới có hiệu từ ngày 1/07/2019 đối với giáo dục đại học sẽ không còn phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo. Hay nói cách khác, từ ngày 01/7/2019, bằng đại học được đào tạo theo hình thức chính quy hay tại chức, từ xa, liên thông đều có giá trị ngang nhau. Tuy nhiên, trên thực tế hai loại hình đào tạo chính quy và tại chức vẫn có khoảng cách lớn do cách thức tuyển sinh, quản lý đào tạo, quan niệm của xã hội...và như vậy liệu có sự “Công bằng” ở đây?
Quy định mới như trên đã và đang gây hoang mang không nhỏ tới các sinh viên, học viên đã, đang và sẽ theo học hệ đại học chính quy.
Nguyễn Trung Kiên, sinh viên năm 3 Trường Học viện Báo chí và tuyên truyền chia sẻ[1]:
“Thông tin này khiến em và các bạn có chút hoang mang. Vì để thi vào đại học bọn em phải trải qua một quá trình học tập rất căng thẳng và mệt mỏi mới có thể thi vào đại học. Học ở đại học 4 năm cũng mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Nhiều bạn phấn đấu cũng chỉ để lấy cái bằng mặc dù sau này không biết áp dụng như thế nào nhưng bằng đại học chính quy bọn em coi đó như một thành quả của quá trình học tập”.
Chung nỗi niềm với Kiên, Hoàng Thị Linh, sinh viên năm 3 Trường Đại học Ngoại thương cho biết[2]:
“Bọn em vẫn biết tấm bằng chỉ là một trong những điều kiện để có được việc làm, nhiều bạn không cần bằng cấp vẫn có thể thành công.
Nhưng khi bọn em vào trong môi trường đại học này đã mất thời gian 4 năm để rèn luyện và trưởng thành cuối cùng kết quả được cào bằng. Vậy nếu biết trước thế này thì em đã có thể vừa đi làm vừa đi học tại chức.
Các bạn trong lớp khi biết đến thông tin này đều rất hoang mang nhiều bạn còn nói không biết học đại học để làm cái gì.
Tất nhiên sẽ có người "phản pháo" rằng học gì không quan trọng mà quan trọng học như thế nào. Nhưng đối với nhiều bạn thì các bạn ấy cần một lý do để học”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó giáo sư Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng không phân biệt bằng chính quy và tại chức chỉ thực hiện được khi mọi quy trình đào tạo phải giống nhau và có chất lượng như nhau từ tuyển sinh đầu vào đến quản lý đào tạo, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, cách thức thi cử, đánh giá.
Tuy nhiên trên thực tế, hai loại hình đào tạo này hiện vẫn có khoảng cách lớn do cách thức tuyển sinh, quản lý đào tạo, quan niệm của xã hội và người sử dụng lao động do thời gian tập trung cho việc học tập, do quan niệm của cả người học (sinh viên) và các cơ sở đào tạo (giảng viên và cán bộ quản lý). 
Cụ thể, theo  ông Tớp, người học hệ không tập trung rất khó có đủ thời gian để đảm bảo học và tự học. Thời gian tập trung chỉ khoảng 5-6 tháng so với hệ chính quy là 10 tháng/1 năm[3].
Quan điểm của chúng tôi cho rằng, việc “không còn phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo” là quy định đúng, phù hợp xu thế chung của thế giới nhưng nó không đúng, không phù hợp trong mọi trường hợp mà chỉ đúng, chỉ phù hợp khi đảm bảo các điều kiện sau:
Thứ nhất, hình thức đào tạo không chính quy được nâng cấp những điều kiện thi cử, học tập, sát hạch sao cho bằng với “chính quy” bởi đã là ngang nhau tấm bằng thì phải ngang nhau về tất cả mọi điều kiện và đây là cách làm đúng logic.
Thứ hai, việc tuyển sinh, quản lý và đào tạo hệ tại chức cần được siết chặt, nghiêm chỉnh, không để xảy ra tình trạng học hộ, thi hộ, không gây ra những bất công dành cho những người học thật, thi thật, nỗ lực hết mình.
Xét đến cùng, việc không còn phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo sẽ tạo điều kiện cho sinh viên theo học các hình thức đào tạo khác nhau khi tốt nghiệp đại học có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng lao động, đặc biệt là rút ngắn được thời gian đào tạo, có thể vừa học vừa làm để tạo ra thu nhập, phát triển kinh tế. Chúng tôi không phủ nhận điều này nhưng nếu không siết chặt, kiểm soát chặt chẽ việc tuyển sinh, quản lý, đào tạo, kiểm tra chất lượng…, đặc biệt là không đảm bảo được các điều kiện nêu trên thì đây sẽ là bước thụt lùi nghiêm trọng, nguy hiểm đối với nền giáo dục, tạo ra sự bất công không hề nhỏ cho đa số những người đã, đang và sẽ theo học hệ đại học chính quy.
Chính vì vậy, để Khoản 23, Điều 1 Luật giáo dục đại học năm 2018 được thực thi hiệu quả, mục tiêu xóa bỏ ranh giới bằng cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát huy hiệu quả thì cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện nêu trên, tránh tình trạng các thế hệ sinh viên, học viên tương lai sẽ đứng trước câu hỏi “Chọn học đại học chính quy hay tại chức?”.
 
Chia sẻ bài viết:
Image
Giám Đốc CÔNG TY LUẬT BẢO TÍN

Bài viết liên quan:

Bình luận

    Hotline: 0915988383